- Chi Tiết Tour
- Báo Giá
- Hình Ảnh
Căn cứ vào các tài liệu cổ sử, tên gọi Bình Định xuật hiện kể từ khi vua Gia Long 嘉隆 chiếm lại vùng đất này từ nhà Tây Sơn 西山. Theo Đại Nam thực lục 大南實錄, đệ nhất kỉ, quyển X, thực lục về Thế tổ cao hoàng đế, đã ghi chép về thời điểm thành Quy Nhơn được đổi thành Thành Bình Định, chúng tôi xin lược ghi như sau:
Kỷ mùi (1799), [tức năm thứ 4 đời Thanh Gia Khánh], Tháng 5, quân Nguyễn Ánh tiến sát thành Quy Nhơn. Tháng 6, Nguyễn Văn Thành đem quân qua song Đào Lô (Sông Lò Gốm?), đánh phá bảo Ưu Đàm của Tây Sơn. … Quân ta (tức quân Nguyễn Ánh) đã lấy lại được thành Quy Nhơn. Thái phủ của Tây Sơn là Lê Văn Ứng đã thua, trong thành quân ít, lương cạn. Đại Tổng quan Lê Văn Thanh, Binh bộ thượng thư Nguyễn Đại Phác, Thiếu uý Trương Tiến Thuý của nhà Tây Sơn dâng biểu xin hàng. Vua sai Lại bộ tham tri Nguyễn Bảo Tiến và Tham mưu Trần Quang Thái đưa chỉ dụ rằng: “ Bọn ngươi đã biết quy thuận, ta cũng lấy lòng thành mà tiếp đại, ngày trước lài cừu địch, ngày nay là vua tôi, đều không nên ngờ sợ gì.”. Bèn cho xa giá vào thành. Bọn Thành cùng tướng tốt 1 vạn 3 trăm người đều tự trói cổ lạy phục. Vua sai tuyên chỉ an ủi, ban cho 5000 quan tiền để chia nhau. Đổi tên thành làm thành Bình Định 平定城. [Viện sử học dịch, Nxb Giáo dục, tập 1, tr.388].
Vì sao Nguyễn Ánh đặt tên vùng đất này là Bình Định. Ngược dòng lịch sử, năm 1602, Chúa Tiên Nguyễn Hoàng đổi tên là phủ Hoài Nhơn 懷仁府 (Nhớ mong về đức Nhân) thành phủ Quy Nhơn 歸仁府 (nơi quy tụ đức nhân hoặc đức Nhân được quy tụ về) và đời chúa Nguyễn Phúc Tần đổi làm phủ Quy Ninh 歸寧府 (Nơi quy tụ sự yên ổn, sự yên ổn được quy tụ về) (1651). Sau đó, chúa Võ Nguyễn Phúc Khoát khôi phục lại tên cũ là phủ Quy Nhơn. Thời nhà Tây Sơn (1773 – 1802), thành Đồ Bàn được xây dựng thêm và đặt tên thành Hoàng Đế 皇帝城 (toà thành của Trung ương hoàng đế), kinh đô của vua Thái Đức 泰德 (Nguyễn Nhạc).
Căn cứ vào tự dạng Hán văn, tên gọi đầu tiên của vùng đất này đều có liên quan đến chủ trương Nhân trị của các tiên chúa triều Nguyễn. Đến Tây Sơn vì là kinh đô của Thái Đức trung ương hoàng đế 泰德中央皇帝 nên có tên gọi là thành Hoàng đế. Đến tháng 6.1799, sau khi hạ được thành Quy Nhơn, Nguyễn Ánh bèn cho đổi tên Bình Định, có lẽ dụng ý của ông muốn thể hiện tư thế ngạo nghễ của người chiến thắng. Ngoài ra, cần lưu ý một điểm, đây là đất thang mộc của nhà Tây Sơn. Phan Huy Ích đã cho rằng Quy Nhơn là ấp thang mộc 湯沐邑 (Quy Nhơn thang mộc địa 歸仁湯沐地). Thang mộc ấp là một điển cố xuất phát từ trong cổ văn. Từ này được dùng đầu tiên trong Công Dương truyện 公羊传, mục Ẩn Công bát niên 隐公八年, ban đầu nó có nghĩa là nơi các vua tắm gội để giữ mình thanh khiết trước khi cúng thiên tế địa. Về sau được dùng để chỉ cho vùng đất phát tích ra một triều đại, một vị vua nào đó. Với ý nghĩa sâu xa ấy, sau khi đã trấn áp được vùng đất này, Nguyễn Ánh đã cho là mình đã vào tận đất phát tích của nhà Tây Sơn, là bình định được loạn đảng “nguỵ Tây” (theo cách nói của các vua triều Nguyễn trước đây). Vì thế, tên gọi Bình Định có thể được ra đời với ý nghĩa là dẹp yên.
Tóm lại, tên gọi Bình Định chính thức được sử dụng từ tháng 06 năm 1799. Năm 1808 dinh Bình Định chuyển thành trấn Bình Định và năm 1816 đặt Tri phủ Quy Nhơn trông coi ba huyện: Bồng Sơn, Phù Ly, Tri Viễn. Đến thời vua Minh Mạng được nâng cấp và đổi tên thành tỉnh Bình Định (1832) và đặt chức Tổng Đốc Bình Phú coi tỉnh Bình Định và Phú Yên. Từ đó về hành chính tỉnh Bình Định tiếp tục có nhiều thay đổi cho đến ngày nay.